Ngay tại thời điểm chúng tôi thực hiện bài viết này (cuối tháng 9.2023),ộcnhàolộncủađồngtiềntrênthếgiớivàkinhtếViệheyhey net tỷ giá trong nước đang chịu áp lực lớn từ lãi suất USD cao nhất trong hơn 20 năm để kiểm soát lạm phát của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Thời của USD mạnh
USD liên tục tăng giá trong nhiều tuần, trước và sau khi Fed quyết định giữ lãi suất ở mức cao 5,25 - 5,5%/năm trong cuộc họp tháng 9. Chỉ số USD-Index quay lại mức cao nhất đạt được cách đây 1 năm, lên 105,8 điểm. Đây là sóng tăng giá thứ ba trong năm nay của đồng bạc xanh, biến động trong biên độ từ 99,7 điểm đến 105,8 điểm. USD vững chắc đà tăng sau khi Fed hé lộ khả năng sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay, theo sau đó sẽ là 2 đợt cắt giảm vào năm 2024 thay vì 4 lần như trước đó. Kể từ khi bắt đầu thắt chặt chính sách vào hồi tháng 3.2022, Fed dự kiến thực hiện hàng chục đợt tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát về mức mục tiêu 2%.
USD tăng giá khiến các ngoại tệ khác giảm mạnh. Giá yen Nhật hiện nay đang quay lại mức thấp nhất trong vòng 32 năm. Mỗi USD đổi được hơn 149 yen, trong khi vào đầu năm nay là 127 yen (JPY). Cặp tỷ giá USD/JPY đã giảm tương ứng khoảng 17%, phá mức giá thấp nhất đạt được hồi tháng 10.2022. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng và giữ nguyên lãi suất trong tháng 9 nhưng tỏ ra cẩn trọng về "những bất định cực độ" đối với triển vọng tăng trưởng trong và ngoài nước. Tại cuộc họp hồi tháng 7, BoJ đã nới lỏng kiểm soát với đường cong lợi suất trái phiếu và cho phép lãi suất dài hạn được dịch chuyển cùng chiều với đà tăng của lạm phát. Đây là bước thay đổi chính sách đầu tiên kể từ khi ông Kazuo Ueda nhậm chức Thống đốc BoJ vào tháng 4.2023.
Bên cạnh đó, giá nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc cũng đã phá mức thấp nhất lịch sử vào tháng 9.2023, khi 1 USD đổi được 7,35 CNY bất chấp một loạt các điều chỉnh mức tỷ giá tham chiếu mạnh hàng ngày từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC). PBOC đã giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản không thay đổi trong tháng 9 bởi đang nỗ lực hỗ trợ phục hồi kinh tế và ngăn chặn sự suy yếu hơn nữa của đồng nhân dân tệ. So với đầu năm, giá CNY đã giảm gần 10% so với USD, về mức thấp nhất trong vòng 15 năm trở lại đây. Để kích thích nhu cầu, Trung Quốc đã liên tục cắt giảm lãi suất trước đó. Cùng với tốc độ tăng trưởng ì ạch của kinh tế Trung Quốc, việc PBOC cắt giảm lãi suất làm gia tăng khoảng cách về lợi suất giữa trái phiếu chính phủ Trung Quốc và trái phiếu chính phủ Mỹ.
Ngoài ra, tính từ đầu năm đến gần hết tháng 9, một số đồng tiền khác cũng mất giá so với USD như VND giảm khoảng 3%, euro giảm 1,3%, CAD giảm 0,23%, NZD giảm 7,7%, AUD giảm 9%, won Hàn Quốc giảm 8,6%...
Du lịch hưởng lợi, xuất khẩu lao động gặp khó
Giá các ngoại tệ trên thị trường quốc tế giảm giúp tỷ giá quy đổi trong nước cũng điều chỉnh tỷ lệ thuận, tác động đến các hoạt động trong nền kinh tế VN. Ngoài Mỹ, người dân đi du lịch các nước Nhật, Trung Quốc trong năm nay đều hưởng lợi lớn. Anh Nguyễn Duy (Q.4, TP.HCM) tranh thủ lên kế hoạch với nhóm bạn đi Nhật vào tháng 11.2023 để ngắm lá đỏ. Đây là lần thứ ba anh đến đất nước mặt trời mọc trong vài năm gần đây chỉ vì "tận dụng tour rẻ". "Đợt đi tháng 4.2019, mỗi người chi khoảng 70 triệu đồng cho cả chuyến 7 ngày, bao gồm tiền khách sạn, ăn uống, di chuyển giữa các tỉnh trong nước Nhật. Thời điểm đó, giá yen khoảng 207 đồng/yen nên tính ra tiền quy đổi chi tiêu vào khoảng 340.000 yen. Nay tỷ giá chỉ còn 166 đồng, với số tiền 70 triệu đồng bỏ ra đổi được khoảng 420.000 yen, nhiều hơn 80.000 yen so với mấy năm trước nên phần tiền chi tiêu cũng sẽ dư dả hơn", anh Duy tính toán.
Hoạt động trong lĩnh vực du lịch 30 năm nay, anh Phan Quảng (TP.Hà Nội) thừa nhận, chưa bao giờ giá tour Nhật lại rẻ như vậy. Vào thời điểm năm 2022, giá tour đi Nhật 5 - 6 ngày vào khoảng 30 triệu đồng/người thì nay còn khoảng 25 - 26 triệu đồng, giảm khoảng 15 - 20% tùy lựa chọn của du khách. "Có nhiều yếu tố khiến giá tour du lịch Nhật giảm nhưng tác động lớn nhất là do đồng yen giảm mạnh. Một số tour khác như Đài Loan, Trung Quốc… cũng giảm nhẹ nhờ tỷ giá đi xuống", anh Quảng nhận định.
Thế nhưng giá yen giảm mạnh cũng khiến nhiều người không vui, nhất là lao động VN tại Nhật, chiếm tỷ lệ lớn với khoảng 345.000 người. Thị trường hàng đầu hút lao động Việt chính là Nhật Bản, sau mới đến Đài Loan, Hàn Quốc… Nếu đầu năm, người lao động Việt gửi 100.000 yen về cho gia đình quy đổi được 18,2 triệu đồng thì đến giữa tháng 9 chỉ còn đổi được 16,6 triệu đồng. Với khoảng 345.000 lao động Việt tại Nhật, số tiền bị "thiệt" do đồng yen mất giá là rất lớn.
Một số đồng tiền ở Đông Nam Á ngày càng mất giá so với USD
Theo Viện Ngân hàng - Tài chính (Trường ĐH Kinh tế quốc dân), khi đồng yen giảm giá so với USD sẽ tác động đến kinh tế VN. Cụ thể, nợ công thực của VN sẽ giảm; đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản sang VN tăng lên; xuất khẩu của Nhật Bản sang VN tăng nhưng lại làm giảm hiệu quả xuất khẩu từ VN sang Nhật; thu nhập thực tế của lao động VN tại Nhận Bản sẽ giảm.
Tương tự, Trung Quốc là nước có thương mại với VN ở mức cao nên việc đồng CNY đang mất giá mạnh cũng tác động lớn đến hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp trong nước. Các chuyên gia chỉ ra 2 tác động chính. Đó là CNY mất giá có thể tạo áp lực lên tỷ giá USD/VND thông qua ảnh hưởng tâm lý, kỳ vọng thị trường về xu hướng mất giá của đồng tiền so với USD cũng như quan ngại về khả năng dòng tiền chảy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi. Ngoài ra, thị trường dự kiến việc đồng CNY mất giá sẽ ảnh hưởng đến cán cân thương mại song phương VN - Trung Quốc theo hướng tăng nhập siêu cho VN, tạo áp lực nhất định lên tỷ giá.
Nợ công bằng yen giảm, xuất khẩu bằng USD bị ảnh hưởng
TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng biến động của các cặp tỷ giá so với USD, đặc biệt là đồng tiền của các nước mà VN có hoạt động thương mại, đầu tư sẽ tác động đến nền kinh tế trong nước. Chẳng hạn, việc đồng yen giảm mạnh trong thời gian gần đây mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp nhập khẩu khi họ có thể nhập hàng hóa Nhật với giá rẻ hơn so với trước đây, từ đó gia tăng được lợi nhuận.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải đối mặt với sụt giảm lợi nhuận do hàng hóa bán ở Nhật sẽ thu về ít tiền hơn. Trong trường hợp tăng giá bán, nhu cầu tiêu dùng của người dân Nhật có khả năng sẽ giảm đi. Riêng đối với những doanh nghiệp đang vay yen, nhất là doanh nghiệp nhiệt điện thì đây là một tin tốt. Đồng yen giảm giá thì doanh nghiệp cũng sẽ phải bỏ ít tiền đồng hơn để trả nợ.
"Nhật Bản là một trong những chủ nợ lớn của VN và là chủ nợ song phương lớn nhất tính đến năm 2022 với tổng khoản vay khoảng 274.000 tỉ đồng. Chính vì thế đồng yen mất giá cũng làm giảm số nợ này so với trước đây, giúp VN giảm bớt gánh nặng nợ công", ông Huân dẫn chứng. Ngược lại, một số ngoại tệ tăng giá như euro, bảng Anh sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa của VN sang thị trường các nước này, theo ông Huân. Bởi VND neo với USD và hiện chỉ mất giá khoảng 3%, thấp hơn tỷ giá của các nước khác nên giá hàng hóa của VN cũng cao lên tương đương và ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu. Về đầu tư, các nước này có mức đầu tư vào VN chưa nhiều nên ảnh hưởng không quá lớn.
Tỷ giá vẫn chịu áp lực
Chính sách điều hành của Mỹ và VN tiếp tục cho thấy sự khác biệt. Trong bối cảnh Mỹ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt và neo lãi suất ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước đã là một trong những ngân hàng trung ương tiên phong tại châu Á hạ lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế. Bên cạnh đó, thanh khoản VND cũng được duy trì dồi dào trong bối cảnh hoạt động giải ngân tín dụng còn chậm. Những nguyên nhân kể trên sẽ tiếp tục tạo xu hướng cho đà tăng của tỷ giá từ nay tới cuối năm.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC VN
Doanh nghiệp nên phòng ngừa rủi ro
Các doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong tương lai như mua các hợp đồng quyền chọn hay các hợp đồng kỳ hạn để phòng ngừa rủi ro tỷ giá trong trường hợp ngoại tệ mất giá mạnh so với VND và các đồng tiền khác. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên cân nhắc việc ký hợp đồng giao dịch bằng USD đối với các đối tác, điều này cũng có thể giúp phòng ngừa rủi ro, chẳng hạn như đồng yen tiếp tục bị mất giá so với USD và VND trong tương lai.
TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM
Cuộc "nhào lộn" của đồng tiền trên thế giới ảnh hưởng không nhỏ tới tỷ giá trong nước. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, cho rằng giá USD trong nước tăng trong thời gian gần đây chủ yếu mang tính khách quan, ngắn hạn đặt trong mối liên hệ với các đồng tiền mạnh trên thế giới. Sự tăng giá của USD tạo áp lực nhất định lên tỷ giá VND/USD. Để hạ nhiệt tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đang điều hành linh hoạt các công cụ thị trường mở, nghiệp vụ phát hành và mua bán tín phiếu phù hợp trong mỗi giai đoạn có tác động tích cực, hiệu quả đến tỷ giá, bảo đảm diễn biến phù hợp theo định hướng điều hành và mục tiêu chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế. Cung - cầu ngoại tệ được bảo đảm, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của người dân và doanh nghiệp luôn được đáp ứng. Đặc biệt, cán cân thanh toán xuất nhập khẩu vẫn bảo đảm, các nguồn cung ngoại tệ vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tích cực.
Nhóm nghiên cứu HSBC đưa ra dự báo cặp tỷ giá USD/VND sẽ tiếp nối đà tăng trong những tháng sắp tới, mặc dù mức độ biến động có thể không nhiều như giai đoạn cùng kỳ năm trước nhưng có thể đạt mức 24.200 đồng/USD, tương đương mức giá khoảng 3,5% cho cả năm nay. Lý do được ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC VN - giải thích là USD tiếp tục cho thấy đà mạnh lên trong năm nay và chưa có dấu hiệu suy yếu, trong bối cảnh các dữ liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ chưa cho thấy dấu hiệu suy giảm. Điều này vô hình trung tạo nên áp lực tỷ giá cho các đồng tiền trong khu vực, trong đó có VN.
Ở phía ngược lại, Trung Quốc chưa cho thấy đà hồi phục kinh tế mạnh mẽ sau khi mở cửa sau đại dịch như vốn được kỳ vọng. Diễn biến này khiến CNY cũng mất giá kỷ lục trong năm nay. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của VN nên VND từ đó cũng chịu sức ép nhất định. Thêm vào đó, hoạt động bán ròng chứng khoán cùng với yếu tố mùa vụ khi nhu cầu của doanh nghiệp xuất nhập khẩu tăng cao trong những tháng cuối năm, khiến nhu cầu ngoại tệ càng được đẩy cao.
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Huân cho rằng hiện nay USD đang mạnh lên và khả năng vẫn còn ở mức cao trong thời gian tới, điều này đồng nghĩa giá các ngoại tệ khác sẽ còn giảm. Fed đang theo đuổi lãi suất cao để kéo lạm phát về mức mục tiêu 2%. Mức lạm phát này có về được hay không phần nào quyết định đến chính sách lãi suất USD trong thời gian tới. Thị trường vừa dự báo Fed giảm 2 lần lãi suất trong năm 2024 thay vì 4 lần như dự báo trước đó, đồng nghĩa mức lãi suất USD sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài, hỗ trợ cho giá USD cao.